Giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương
Đây là một trong những thông tin được Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo tại Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra chiều ngày 02/02/2024, tại Trụ sở Chính phủ. Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện 57 nhóm nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cho biết, năm 2023 với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực, chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính của cả hệ thống hành chính và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trên tất cả các nội dung, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, thủ tục hành chính đang cản trở sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện 57 nhóm nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm trong kế hoạch hoạt động; Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 04 phiên họp của Ban Chỉ đạo; các Bộ, ngành, địa phương đã bám sát thực tiễn, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động, quyết tâm tổ chức thực hiện 4.142 nhiệm vụ được giao; đã ban hành 5.586 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính đã đề ra.
Công tác thông tin, tuyên truyền và kiểm tra cải cách hành chính được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần lan tỏa tinh thần cải cách hành chính đến người dân, xã hội và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức. Đã có 493 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, 424 đơn vị cấp sở, ngành và 397 Ủy ban nhân dân cấp huyện đã được kiểm tra trong năm 2023. Thường trực Ban Chỉ đạo đã kiểm tra công tác cải cách hành chính tại 09 tỉnh, thành phố theo kế hoạch đã đề ra.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo báo cáo tại Phiên họp
Về cải cách thể chế, công tác xây dựng và ban hành pháp luật là một trong những nội dung được ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và củ các thành viên Ban Chỉ đạo tại các Bộ, ngành. Chính phủ đã tổ chức 10 phên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật (tăng hơn 01 phiên so với năm 2022).
Các Bộ, ngành đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành 92 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 372 Thông tư; Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành 3.427 văn bản quy phạm phạm pháp luật; Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã ban hành 2.098 văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh, trong đó, có nhiều văn bản liên quan trực tiếp tới công tác cải cách hành chính.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của 05 Bộ, cơ quan
Về cải cách thủ tục hành chính, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính để chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của 05 Bộ, cơ quan. Các Bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh tại 53 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 quy định kinh doanh tại 224 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 17,53%.
Theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Có 14 Bộ, ngành thực thi phương án phân cấp 86 thủ tục hành chính tại 26 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số thủ tục hành chính được phân cấp từ năm 2022 đến nay là 153/699 thủ tục hành chính, đạt 21,9%.
Có 09 Bộ, ngành đã thực thi phương án đơn giản hóa 147 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, nâng tổng số thủ tục hành chính được thực thi phương án đến nay là 535/1.086 thủ tục hành chính, đạt 49.26%.
Đến nay, đã có 22/22 Bộ, ngành đã xác định và công bố 1.372 thủ tục hành chính nội bộ (gồm 645 thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và 727 thủ tục hành chính nội bộ trong từng Bộ, cơ quan); 63/63 địa phương công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ thực hiện tại địa phương.
Đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành đạt 28,59% và tại các địa phương đạt 39,48%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các Bộ, ngành đạt 28,6% và tại các địa phương đạt 45,3%; trong khi đó, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa tại các Bộ, ngành chỉ đạt 0,19%, tại các địa phương đạt 9,52%. Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hoặc sớm hạn tại Bộ, ngành đạt 50,60% (tăng 3,8% so với năm 2022), tại địa phương đạt 90,75% (giảm 1,61% so với năm 2022).
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu địa phương
Giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 10/7/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành.
Thực hiện sắp xếp, thu gọn đầu mối tổ chức, tinh giản biên chế, đẩy mạnh tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập: dự kiến kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành đến hết năm 2024 còn 895 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 140 đơn vị so với năm 2021 (tương ứng giảm 13,53%); tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đạt khoảng 63% (tăng 24% so với năm 2021).
Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện trong cả nước. Việc rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục được triển khai và đạt được kết quả rõ nét, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập, còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập; riêng năm 2023 giảm 236 đơn vị (năm 2022 có 46.621 đơn vị); trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là 345 đơn vị (tỷ lệ 0,74%), đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên là 2.538 đơn vị (tỷ lệ 5,47%), đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là 8.559 đơn vị (tỷ lệ 18,45%), đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 34.943 đơn vị (tỷ lệ 75,34%).
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 quy định về tinh giản biên chế, tổng số đối tượng tinh giản biên chế từ năm 2015 đến ngày 15/12/2023 là 84.140 người, trong đó: Trung ương là 5.740 người, địa phương là 78.400 người; tính từ ngày 01/01/2023 đến ngày 15/12/2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người (trong đó: Trung ương 146 người; địa phương 7.005 người).
Hoàn thiện việc cho ý kiến Đề án của 56/56 địa phương diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Về cải cách tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, trong năm 2023, nhiều quy định về tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đã được ban hành: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 ; thông qua 12 Nghị quyết thành lập đơn vị hành chính đô thị và nhập, điều chỉnh địa giới hành chính của 60 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của một số địa phương. Bộ Nội vụ đã phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương liên quan hoàn thiện việc cho ý kiến Đề án của 56/56 địa phương diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Về cải cách chế độ công vụ, năm 2023, đã trình Chính phủ ban hành 07 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 06 Thông tư góp phần từng bước hoàn thiện quy định pháp lý về tuyển dụng, đánh giá xếp loại, xử lý kỷ luật, tổ chức quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Về vị trí việc làm, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã. Theo đó, tổng số vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính là 840 vị trí; tổng số vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp là 559 vị trí; tổng số vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã là 17 vị trí.
Về chuyển đổi số trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến nay, 100% Bộ, ngành và địa phương đã hoàn thành việc kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; đã đồng bộ được gần 2,5 triệu hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cải cách chế độ tiền lương tiếp tục có chuyển biến tích cực, hiện nay, Bộ Nội vụ đang tích cực tham mưu các cấp có thẩm quyền về việc triển khai chính sách cải cách tiền lương theo Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023 - 2024 và Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 xây dựng Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Các đại biểu tham dự Phiên họp điểm cầu Chính phủ
Về cải cách tài chính công, Chính phủ đã ban hành 35 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền 72 Thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/12/2023). Trong đó, nhiều văn bản có tinh thần cải cách mạnh mẽ, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt: Giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 ước đạt 95% kế hoạch, cao hơn năm 2022 cả về tỷ lệ và số tuyệt đối.
Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), theo đó đã bổ sung, hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số. Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết có liên quan đến thúc đẩy, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia.
Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia trong 11 tháng đầu năm 2023 khoảng 6,8 triệu văn bản; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) tiếp tục phát huy hiệu quả. Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-BNV ngày 31/8/2023 hướng dẫn lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính điện tử.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến tháng 12/2023 đã có 49/63 địa phương ban hành chính sách giảm phí, lệ phí và 13/63 địa phương đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Theo báo cáo chuyển đổi số quốc gia, năm 2023, 100% Bộ, ngành, địa phương đã rà soát và ban hành danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương để triển khai dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, trong đó, đã triển khai 81% thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến, trong đó 48,5% thủ tục hành chính được triển khai là dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 30,4% (tăng 1,4 lần so với năm 2022); địa phương đạt 37,4% (tăng 3,7 lần so với năm 2022). Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (chỉ tiêu năm 2023: 30°%): tại các Bộ, ngành đạt 45,22% và các địa phương đạt 26,86%.
Phiên họp cũng dành thời gian để các đại biểu đại diện một số Bộ, ngành, địa phương phát biểu tham luận và đóng góp ý kiến để hoàn thiện Báo cáo.
Toàn cảnh Phiên họp
Theo: moha.gov.vn