Ban Đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lạng Sơn kiểm tra giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại huyện Đình Lập
Chiều ngày 29/3, Đoàn kiểm tra Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Vi Minh Tú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh - Thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh làm Trưởng đoàn đã thực hiện kiểm tra, giám sát về hoạt động tín dụng chính sách tại Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đình Lập và Ban giảm nghèo thị trấn Nông trường Thái Bình.
Chiều ngày 29/3, Đoàn kiểm tra Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Vi Minh Tú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh - Thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh làm Trưởng đoàn đã thực hiện kiểm tra, giám sát về hoạt động tín dụng chính sách tại Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đình Lập và Ban giảm nghèo thị trấn Nông trường Thái Bình.
Tham gia làm việc với Đoàn có đồng chí Tô Thị Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đình Lập và các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện.
Tại buổi làm việc, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã báo cáo với Đoàn kiểm tra Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh về kết quả triển khai tín dụng chính sách. Theo đó, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Kết quả, trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh số các chương trình cho vay đạt 9,6 tỷ đồng với 152 lượt hộ được vay. Qua đó, nâng tổng dư nợ các chương trình cho vay lên 308,9 tỷ đồng với 3.675 hộ còn dư nợ. Dư nợ bình quân 1 xã là 25,7 tỷ đồng, tăng 3,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Nợ quá hạn chiếm 0,04% tổng dư nợ; Tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt trên 95%. Thông qua nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện đã có vốn đầu tư trồng, chăm sóc rừng, phát triển chăn nuôi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 3,56% (năm 2023).
Đối với thị trấn Nông trường Thái Bình, thời gian qua UBND thị trấn đã phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH. Đến nay, tổng dư nợ 10 chương trình cho vay đạt gần 25 tỷ đồng, tăng 1,4 tỷ đồng so với đầu năm, với 270 hộ còn dư nợ. Toàn thị trấn không có nợ quá hạn, tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đạt 100%. Chất lượng tín dụng xếp loại tốt. Trong 3 tháng đầu năm 2024 đã có 24 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi có nhiều hộ vươn lên thành hộ khá, làm kinh tế giỏi, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đời sống của người dân được cải thiện và góp phần tích cực trong việc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn thị trấn còn một số khó khăn, tồn tại như: Công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của hộ vay có lúc chưa kịp thời, chất lượng kiểm tra chưa cao; Nhu cầu vay vốn của người dân nhiều nhưng nguồn vốn chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm phân bổ cho thị trấn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn.
Đ/c Vi Minh Tú, Trưởng Ban dân tộc tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát phát biểu kết luận
Kết luận buổi làm việc, thay mặt Đoàn kiểm tra giám sát, đồng chí Vi Minh Tú, Trưởng Ban dân tộc tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Đình Lập và thị trấn Nông trường Thái Bình.
Đồng thời đồng chí đề nghị: Trong thời gian tới, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện và các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; Phòng giao dịch NHCSXH huyện tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tuyên truyền sâu rộng các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ, định hướng cho người dân sản xuất và tham gia các chuỗi liên kết; Quan tâm đến công tác chuyển vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; Tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay để không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân./.