Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Ban dân tộc

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo vận động đưa AMIĂNG trắng vào danh sách chất thải độc hại

 

Ngày 05/11/2020 tại Lạng Sơn, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Cơ quan phát triển Quốc tế Úc – Australian Aid, Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng – IRECO, Tổ chức nhân dân Úc vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại - Apheda, Viện Môi trường và Sức khỏe phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo vận động đưa Amiăng trắng vào danh sách chất thải độc hại và yêu cầu dán nhãn các vật liệu có chứa Amiăng tại Việt Nam.

Amiăng là loại khoáng chất silicat dạng sợi, có tính năng như độ bền cơ học, độ bền hoá chất, chịu nhiệt, chịu ma sát, cách nhiệt cách âm tốt…nên đã được sử dụng từ hàng trăm năm trước, trong nhiều sản phẩm công nghiệp, nhất là sản phẩm tấm lợp Fibro xi măng. Theo báo cáo, trong nhiều năm, lượng Amiăng nhập vào Việt Nam khoảng 60 nghìn tấn/năm. Cộng dồn qua nhiều năm, Việt Nam đang phải đối mặt với 10 triệu tấn Amiăng xi măng đã và đang trở thành chất thải nguy hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân. Tại Lạng Sơn, hiện nay đối với các vùng nông thôn, các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ dân sử dụng tấm lớp Fibro xi măng để lợp nhà, chuồng trại, nhà xưởng…vẫn ở mức cao, khoảng 40-60% thậm trí có nơi lên đến 80%.

(Quang cảnh Hội thảo)

Tại hội thảo, các đại biểu là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn và người có uy tín của thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc đã được các chuyên gia, các nhà khoa học trao đổi, cung cấp thông tin giúp các đại biểu hiểu đầy đủ hơn về sản phẩm có chứa chất Amiăng và chỉ rõ những tác hại của Amiang trắng đối với sức khỏe của con người, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, cung cấp thông tin về các giải pháp thay thế, tình hình vận động ngừng sử dụng Amiang trắng trên thế giới. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về tác hại của Amiang trắng tới sức khỏe, hướng bà con tới việc tìm hiểu các tấm lợp thay thế để giảm thiểu tác hại của Amiang trắng. Khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, tham gia hỗ trợ, ủng hộ bà con dân tộc thiểu số có điều kiện tốt hơn để tiếp cận, sử dụng các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường./.

 

Hứa Duyên – Phó chánh Văn phòng Ban Dân tộc